40 NHÀ THIẾT KẾ ĐỒ HỌA NỔI TIẾNG NHẤT MỌI THỜI ĐẠI (PHẦN 2)
Ngược dòng lịch sử phát triển của ngành thiết kế đồ họa, website Canva.com đã tổng hợp lại danh sách 40 nhà thiết kế đồ họa nổi tiếng nhất mọi thời đại, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: thiết kế kiểu chữ, tạp chí, bìa album, poster chính trị…
Trong phần 2, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu 10 trên tổng số 40 nhà thiết kế đồ họa nổi tiếng trong danh sách này. Ngoài ra, bạn cũng có thể xem lại danh sách 10 nhà thiết kế đồ họa đầu tiên TẠI ĐÂY.
11. Lester Beall – người khởi xướng xu hướng thiết kế hiện đại
Lester Beall (1903 -1969) là người đã khởi xướng phong trào thiết kế theo xu hướng hiện đại ở Mỹ. Ông để lại dấu ấn của mình trong cộng đồng Designer bằng những thiết kế tiên phong, đầy cảm hứng và mang hơi thở hiện đại. Cũng chính Lester Beall là người khởi đầu ý tưởng cũng như giải quyết mối quan hệ giữa thiết kế đồ họa và tiếp thị doanh nghiệp.
Cho đến tận ngày nay, những thiết kế của Beall vẫn là nguồn cảm hứng và thước đo thành công của các nhà thiết kế đồ họa hiện đại.
12. Claude Garamond – nhà thiết kế font chữ đầu tiên
Claude Garamond (sinh khoảng 1510, mất 1561) là nhà thiết kế đồ họa đầu tiên chuyên về thiết kế font chữ và biến ngành này trở thành một nghề nghiệp riêng trong xã hội. Trong sự nghiệp của mình, Garamond đã tạo ra một loạt các font chữ mang đậm tính biểu tượng vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay. Garamond, Granjon và Sabon chính là những font chữ như thế.
Ngoài thiết kế kiểu chữ, Garamond còn được lịch sử ghi nhận là người mở đường và thúc đẩy sự phát triển của ngành thiết kế đồ họa.
13. Jan Tschichold – bậc thầy của nghệ thuật chữ
Jan Tschichold (sinh 02/04/1902, mất 11/08/1974) là nhà thiết kế đồ họa có sự nghiệp rất thăng hoa và đã để lại dấu ấn lớn trong lĩnh vực thiết kế.
Một trong những thành công vang dội nhất của Jan Tschichold chính là Die Neue Typographie – quyển sách thiết lập tiêu chuẩn về typography, khổ giấy, hệ thống phân cấp typographic… Đặc biệt, nhiều trong số những tiêu chuẩn của ông vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.
Tschichold cũng là một trong những người tạo nên tên tuổi cho Penguin Books - nhà xuất bản sách thương mại hàng đầu nước Mỹ.
Những cống hiến của Tschichold với ngành thiết kế đồ họa đã giúp ông trở thành một biểu tượng lớn của ngành thiết kế đồ họa
14. William Golden – người dẫn đầu và tiên phong
William Golden (sinh 31/03/1911, mất 23/10/1959) được mô tả là nhà thiết kế đồ họa tiên phong trong thời kỳ hậu Chiến tranh thế giới thứ hai và là người định hình cho lĩnh vực thiết kế đồ họa.
Nhờ sự đột phá, táo bạo của mình, William Golden đã thay đổi cả ngành công nghiệp thiết kế. Ông cũng là người thúc đẩy quá trình phân tách khái niệm họa sĩ (Artist) và nhà thiết kế (Designer). Nhờ sự phân chia này, ngành thiết kế đồ họa đã được định hình rõ nét hơn.
15. Jacqueline Casey – người kết hợp hai nền văn hóa
Jacqueline Casey (sinh 20/04/1927, mất 18/05/1992) là nhà thiết kế đồ họa nổi tiếng với những poster của Học viện Công nghệ Massachusetts. Khi thảo luận về thiết kế của mình, Jacqueline Casey cho biết "Công việc của tôi kết hợp hai nền văn hóa: Một mặt là sự quan tâm của người Mỹ đối với phép ẩn dụ hình ảnh và mặt khác là sự say mê của người Thụy Sĩ với việc lập kế hoạch, sự khó tính và kiểm soát việc thực thi kỹ thuật.”
Những đóng góp của Jacqueline Casey đã giúp định hình phần lớn xu hướng của ngành thiết kế đương đại.
16. Cipe Pineles – người phá vỡ những giới hạn
Cipe Pineles (sinh 23/06/1908, mất 03/01/1991) được mệnh danh là nữ thiết kế đồ họa của những lần đầu tiên: Designer nữ đầu tiên trở thành thành viên của Câu lạc bộ Giám đốc nghệ thuật New York, nữ giám đốc đầu tiên của một quyển tạp chí, nhà thiết kế đầu tiên thuê các họa sĩ để vẽ minh họa cho các ấn phẩm đại chúng… Chính những lần đầu tiên của Cipe Pineles đã giúp định hình ngành thiết kế báo, tạp chí.
Thiết kế của Cipe Pineles hiện diện trên rất nhiều tạp chí danh tiếng: Vogue, Vanity Fair, Seventeen…
17. Susan Kare – kết nối thiết kế với công nghệ
Susan Kare (sinh 05/02/1954) là nhà thiết kế đương đại, người đã phát triển một loạt các phần tử giao diện cho Apple Macintosh vào những năm 1980.
Nhiều thiết kế của Kare vẫn đang được sử dụng và có ảnh hưởng lớn đến ngành thiết kế giao diện hiện đại. Cho đến ngày nay, nhiều người đã quen với kiểu chữ Geneva, biểu tượng Command key trên bàn phím sản phẩm Apple, biểu tượng thùng rác, công cụ sơn, Lasso… Tuy nhiên, ít ai biết rằng đó đều là những thiết kế của Susan Kare.
18. Abram Games – ý nghĩa tối đa, phương tiện tối thiểu
Abram Games (sinh 29/07/1914, mất 27/08/1996) là một trong những nhà thiết kế đồ họa giỏi nhất thế kỉ XX. Ông được biết đến nhờ những poster trong lĩnh vực chính trị.
Những thiết kế của Abram Games đã tạo cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế đồ họa trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, ông còn nổi tiếng với phương châm thiết kế “ý nghĩa tối đa, phương tiện tối thiểu”. Hiểu theo một cách khác, đây chính là việc sử dụng các thiết kế đơn giản, rõ ràng, trực tiếp nhưng vẫn truyền tải được những thông điệp mạnh mẽ.
19. Armin Hofmann – người pha trộn chủ nghĩa tối giản
Armin Hofmann (sinh 29/06/1920, mất 18/12/2020) là một nhà thiết kế đồ họa người Thụy Sĩ. Ông là người truyền cảm hứng cho nhiều Designer với những sản phẩm thiết kế mạnh mẽ, rõ ràng và nhất quán với bối cảnh, ý nghĩa.
Những sản phẩm của Hofmann cũng thể hiện khá rõ nét phong cách Thiết kế Thụy Sĩ (Swiss Design).
20. Josef Müller-Brockmann – người phát triển hệ thống lưới
Josef Müller-Brockmann (09/05/1914, mất 30/08/1996) là một trong những nhà thiết kế Thụy Sĩ nổi danh trên thế giới.
Josef Müller-Brockmann nổi tiếng với những thiết kế mang đậm phong cách thiết kế Thụy Sĩ – những hình dạng hình học, chữ không chân, màu sắc sặc sỡ. Tuy vậy, đóng góp lớn nhất của ông cho ngành thiết kế đồ họa lại là việc phát triển và sử dụng hệ thống lưới (grid system) - một công cụ thiết kế mạnh mẽ vẫn còn được các Designer sử dụng cho đến ngày nay.
New Paragraph
Kết luận:
Vậy là chúng ta đã cùng khám phá 20 trên tổng số 40 nhà thiết kế đồ họa nổi tiếng nhất mọi thời đại. Để xem lại 10 Designer đầu tiên, bạn có thể click vào ĐÂY. Ngoài ra, đừng quên đón xem phần 3 và phần 4 của chuỗi series này để biết thêm 20 nhà thiết kế đồ họa còn lại là gì nhé!
New Paragraph